Đã gần một tuần sau ngày hệ thống hành chính địa phương 2 cấp được vận hành chính thức trên cả nước. Công việc còn bộn bề, ngổn ngang và không đồng nhất dù trước đó đã có một thời gian chuẩn bị. Nhưng đó là lẽ bình thường khi sắp xếp lại tổ chức, chứ đừng nói chi có quy mô và ý nghĩ to lớn ví như một cuộc cách mạng "sắp xếp lại giang sơn" như Việt Nam đang thực hiện. Và đặc biệt là giờ đây, hành chính công đã được chuyển từ chức năng "quản lý" sang chức năng "phục vụ" – nói cụ thể là "phục vụ công dân".
Không thể tránh khỏi lúng túng, thậm chí là rối, khi có những nhân sự mới ở những vị trí công tác mới và trên địa bàn mới vừa được sáp nhập, trong hệ thống quản lý nhà nước vừa được sắp xếp lại.
Cán bộ UBND tại TP HCM tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của người dân. (Ảnh: Hoàng Triều/BNLĐ/Thanks).
Một cựu nhà báo hiện định cư ở nước ngoài gần đây về quê nhà tại một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ giúp gia đình giải quyết một số thủ tục hành chính cho người thân. Ngày 3-7-2025, chị nhờ cán bộ xã mới trích lục khai sinh và xác nhận độc thân cho em trai, nhưng hệ thống hành chính mới chưa chạy được. Cô nhân viên văn phòng UBND xã cho biết: "Hiện tại phần mềm hành chính cấp xã mới vẫn đang chưa hoàn thiện nên hiện thủ tục hành chình vẫn chưa thể nhập hồ sơ được." Hỏi bao lâu thì được? Cô cán bộ trả lời: "Em cũng chưa nắm được. Bất cứ lúc nào làm được, em sẽ liên hệ lại chị liền."
Nhiều bạn ở những nơi khác cũng cho biết thủ tục hành chính đang gặp trục trặc này nọ do chưa cập nhật chính xác được thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu. Trong khi đó, không ít bạn thông báo hệ thống hành chính ở phường mình giờ đã chạy mượt mà.
Ngày 4-7-2025, UBND TP HCM đã tổ chức phiên họp giao ban mở rộng đầu tiên của chính quyền TP HCM mới (sau khi hợp nhất giữa 3 địa phương TP HCM và hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương), được truyền trực tuyến đến tất cả các phường, xã, đặc khu mới của thành phố. Bà Phạm Thị Thanh Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM, báo cáo: Trong 3 ngày đầu vận hành mô hình mới, nhiều khó khăn nảy sinh. Hệ thống công nghệ thông tin chưa ổn định, đường truyền yếu, phần mềm quản lý văn bản chưa cập nhật đồng bộ gây chậm trễ trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
TP HCM mà còn bị vướng như vậy thì nói chi các tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP HCM, chỉ đạo: Xem xét việc vận hành chính quyền cấp xã phường có gì vướng mắc, trơn tru, tỷ lệ người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ công chức. Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM cần lưu ý đường truyền, phần mềm phục vụ hoạt động của 168 phường và việc giải quyết hồ sơ phi địa giới theo chỉ đạo của Trung ương trong bối cảnh 3 địa phương nhập lại, đề ra giải pháp sắp tới.
Điều được ghi nhận đầu tiên là bộ máy quản lý nhà nước mới sau hợp nhất, sáp nhập là mô hình chính quyền số. Và người ta đã xác định, chỉ có vận hành trên nền công nghệ số thì bộ máy quản lý nhà nước các cấp các ngành trên toàn quốc mới có thể hoạt động hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh mới và kỷ nguyên số.
Trong chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu là điều kiện nền tảng để xây dựng Chính phủ số, bảo đảm cho quản lý minh bạch và phát triển quốc gia hiệu quả. Nhưng cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cấp quốc gia, phải đáp ứng được 4 tiêu chí "đúng, đủ, sạch, sống". Việc cập nhật và hiệu chỉnh các thông tin thực tế mới cho các cơ sở dữ liệu từ địa phương, bộ ngành tới cấp quốc gia càng làm được sớm bao nhiêu, bộ máy hành chính mới của cả nước càng sớm vận hành hiệu quả bấy nhiêu.
Bài đã in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 6-7-2025 và trên báoNLĐ Online.