Arm và Qualcomm ra tòa vì bản quyền thiết kế chip Trong tuần này, Arm và Qualcomm chính thức đối mặt tại tòa án, mở đầu bằng những tranh cãi nảy lửa. Trọng tâm vụ kiện xoay q…
Trong tuần này, Arm và Qualcomm chính thức đối mặt tại tòa án, mở đầu bằng những tranh cãi nảy lửa. Trọng tâm vụ kiện xoay quanh bản quyền thiết kế chip Nuvia, với cáo buộc Qualcomm vi phạm hợp đồng khi phát triển dòng chip Snapdragon X dựa trên các thiết kế tùy chỉnh từ Nuvia. Tranh chấp không chỉ ảnh hưởng đến hai công ty mà còn đe dọa đến cấu trúc ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Hãy cùng Phong Vũ Tech News tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau!
Nguồn gốc vụ kiện
Mâu thuẫn bắt đầu từ khi Qualcomm mua lại Nuvia vào năm 2021 với giá 1,4 tỷ USD. Sau thương vụ này, Qualcomm tiếp tục sử dụng các nhân tùy chỉnh dựa trên kiến trúc Armv8.2 để phát triển dòng chip Snapdragon X Series. Arm cho rằng Qualcomm đã không tái đàm phán phí bản quyền sau khi mua Nuvia, vi phạm thỏa thuận cấp phép. Arm yêu cầu Qualcomm phải hủy bỏ toàn bộ thiết kế chip Nuvia phát triển trước thời điểm sáp nhập.
Về phía Qualcomm, công ty phản biện rằng hợp đồng cấp phép kiến trúc (ALA) hiện tại đã bao gồm quyền sử dụng các thiết kế từ Nuvia. Mâu thuẫn chính nằm ở mức phí bản quyền, khi Arm muốn áp dụng mức phí cao hơn, còn Qualcomm không đồng ý. Arm tuyên bố thiệt hại khoảng 50 triệu USD mỗi năm từ việc này.
Mâu thuẫn bắt đầu từ khi Qualcomm mua lại Nuvia vào năm 2021
Arm cáo buộc Qualcomm vi phạm bản quyền
Arm cáo buộc Qualcomm cố tình "lách luật" để tránh mức phí bản quyền cao hơn. Theo CEO René Haas, việc bảo vệ nguyên tắc cấp phép là yếu tố sống còn với mô hình kinh doanh của Arm, vốn phụ thuộc vào việc cấp phép kiến trúc CPU, GPU và ISA cho hàng trăm khách hàng toàn cầu. Nếu Qualcomm không tuân thủ, các khách hàng khác có thể làm điều tương tự, đe dọa nghiêm trọng đến doanh thu của Arm.
Ngược lại, Qualcomm cho rằng Arm đang cố gắng trở thành đối thủ trực tiếp của khách hàng khi phát triển các thiết kế chip hoàn chỉnh cho máy khách và trung tâm dữ liệu. Tại tòa, Qualcomm trình bày tài liệu nội bộ của Arm, cho thấy Arm từng cân nhắc thiết kế chip riêng. Tuy nhiên, René Haas phủ nhận, khẳng định Arm không có ý định sản xuất phần cứng trong thời điểm hiện tại.
Mối quan hệ giữa hai bên càng trở nên căng thẳng khi Arm gửi thư cảnh báo các đối tác của Qualcomm, bao gồm cả Samsung, về rủi ro pháp lý liên quan. Qualcomm gọi đây là hành động "quấy rối", trong khi Arm bảo vệ rằng họ chỉ đang giải đáp thắc mắc từ các đối tác.
Theo nhà phân tích Stacy Rasgon từ Bernstein, Qualcomm hiện chi trả khoảng 300 triệu USD mỗi năm cho Arm. Nếu Qualcomm được phép tránh mức phí bản quyền cao hơn, điều này có thể tạo tiền lệ xấu, gây thiệt hại lớn cho doanh thu của Arm khi các nhà thiết kế CPU khác làm theo.
Arm cáo buộc Qualcomm vi phạm bản quyền
Kết luận
Cuộc chiến pháp lý giữa Arm và Qualcomm không chỉ xoay quanh bản quyền mà còn tác động sâu sắc đến chiến lược kinh doanh và mối quan hệ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Kết quả của vụ kiện sẽ là dấu mốc quan trọng, định hình cách các công ty xử lý thỏa thuận cấp phép trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng.